Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ 3 điều hạnh phúc của nghề giáo.
Thứ nhất, hạnh phúc khi chúng ta được nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, thấy những cử chỉ ân cần của các em với mẹ, cha, ông bà, những người thân thiết và hơn thế đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường.
Thứ hai, hạnh phúc khi con trẻ ngây ngô mỗi ngày hiểu biết nhiều hơn, khôn lớn hơn, thông minh hơn và dần dà trách nhiệm hơn với chính bản thân, gia đình và xã hội.
Thứ ba, chúng ta đang gieo tình yêu thương để yêu thương trỗi dậy trong mỗi con người, chỉ có thấu hiểu mới có được yêu thương và yêu thương sẽ xóa đi những nỗi oán hờn. “Sự trưởng thành của học trò, an vui của mỗi gia đình - xã hội là niềm sung sướng của chúng ta, những người đi xây đắp tâm hồn và trí tuệ, đặt lên bệ phóng tương lai cho bao thế hệ”, ông nói.
Nghỉ việc vì vòng xoáy 'cơm áo gạo tiền'
Theo Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, nghề giáo đang đối diện với nhiều gian khó, cả về vật chất và tinh thần. Một hiện tượng đáng buồn hơn được Hiệu trưởng Minh nhắc tới là khi cuộc sống vật chất khá hơn, thời đại phát triển hơn nhưng những chuẩn mực đang bị xâm thực nhiều hơn. “Đây là câu hỏi xót xa đối với bất kỳ ai tử tế, nhất là các thầy cô giáo”, GS chia sẻ.
Những vấn nạn đau lòng, trò chửi thầy, phụ huynh làm nhục thầy cô, thầy cô vướng vào những chuyện lùm xùm... tất cả đều có những biện minh nhưng đó chỉ là số ít. Xin đừng biện minh như thế mà hãy nhìn nhận một cách đúng mức hơn, căn cơ hơn và dám đối diện với nó để tìm cách hóa giải.
“Hay nhiều đồng nghiệp của chúng ta dù rất đau đáu, tâm huyết nhưng vẫn phải giã từ nghề giáo bởi họ đang bị giằng xé trong vòng xoáy của “cơm áo gạo tiền”, GS Minh xót xa và mong các thầy cô đừng để sự giằng xé, khó khăn cơm áo gạo tiền đó lấn át thiện tâm, lòng yêu nghề của người thầy. Nếu vì khó khăn đó mà chững lại, mà buông xuôi thì học trò sẽ thế nào?
‘Đừng phó mặc cho giáo viên’
Với phụ huynh, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, không nên vì những vị kỷ riêng tư, bức xúc, bột phát, hay chiều chuộng thái quá mà làm tổn thương thầy cô chân chính. Khi ấy họ sẽ bất lực, buông xuôi thì con cái mỗi gia đình sẽ ra sao, trước khi nói đến những điều lớn lao hơn thế.
“Những gia đình xin đừng phó mặc con cái cho nhà trường, thầy cô và rồi chỉ đổ lỗi cho giáo dục. Nhà trường chỉ giáo dục những chuẩn mực cốt yếu, chính gia đình, xã hội mới là môi trường thực tiễn để mỗi em thẩm thấu, chịu tác động nhiều nhất về hành vi và nhận thức. Khi chỉ còn là quy kết, đổ lỗi mà thiếu đi sự đồng hành và trách nhiệm thì khó lòng giáo dục tốt con người”, ông nói.
Lãnh đạo Đại học Sư phạm Hà Nội hy vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành, vì ai đều cũng mong muốn con cái mình tiến bộ. Hãy để những nhà giáo chân chính làm đúng bổn phận và lương tâm của họ.
“Phụ huynh hãy thấu hiểu rằng, tất cả thầy cô chân chính đều mong muốn con cái họ tiến bộ, vì vậy hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn”, GS Minh gửi gắm.
Trẻ thơ là thế giới thần tiên, do vậy các thầy cô hãy đem đến nụ cười và niềm hứng khởi cho các em, đừng đem đến sự hà khắc và nghiệt ngã, chán chường và thất vọng. Các nhà trường cũng đừng vì thành tích mà bắt các em học lực còn khiêm tốn chuyển trường…
GS Minh mong các thầy cô giáo hãy thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình để bớt đi nhiều điều đáng tiếc. Các cấp quản lý xin để nhà giáo làm đúng thiên chức của họ, đừng bắt họ làm những điều trái với lương tâm để vấy bẩn lên danh dự người thầy.
Bình luận